Cày ruộng bằng...chảo Chuyện cày ruộng bằng chảo lâu nay quả chưa nghe. Ấy vậy mà có thật!
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng lão nông Lê Văn Sở đã mày mò ra lưỡi cày chảo, áp dụng rất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Về thôn Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), tìm lão nông
Lê Văn Sở ai cũng biết, không những ông khá nổi tiếng mà đối với một số
người dân trong vùng, ông được tôn trọng vì đã phát minh ra một thứ mà
cả làng, cả xã được nhờ... Lưỡi cày chảo - đó là tên vật dụng mà lão
nông chân đất này tạo ra trong quá trình kết hợp giữa kinh nghiệm đồng
áng và hoa tay thợ rèn.
Mày mò tự giúp mìnhÔng Sở năm nay đã qua tuổi 76, một mắt bị đục thủy tinh thể nhưng vẫn
còn minh mẫn lắm, tiếp chúng tôi ông bảo: “Ui, cái lưỡi cày chảo tui
làm thành công lâu rồi mà chừ mấy chú nhà báo mới biết à? Nhưng chú kêu
tui là lão nông công nghệ cao thì tui không dám nhận đâu”.
Vùng quê ông Sở sinh ra và lớn lên là một vùng thuần nông, gia đình
ông Sở cũng mấy đời làm nông nghiệp. Ông Sở có 1,4 mẫu ruộng để làm kế
sinh nhai. Làm nông vất vả, đặc biệt là vào đầu mùa vụ, ông Sở hiểu điều
này hơn ai hết với gần cả cuộc đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho
trời”. Ông vẫn còn rùng mình khi nghĩ về quá khứ... cày trâu. “Vợ chồng
tôi đã già, con cái có tới 6 đứa nhưng chúng phải lo việc cho gia đình
chúng và việc xã hội nên việc cày bừa đầu vụ quả thật là rất mỏi mệt.
Nhiều năm qua tôi cũng phải gắng gượng...”, ông Sở chép miệng.
Những năm gần đây, khi cơ giới hóa bắt đầu gõ cửa các làng quê, những
chiếc máy cày đủ loại được người dân sử dụng làm đất, thu hoạch nhằm
đẩy nhanh tiến độ thời vụ. Tuy năng suất lao động tăng gấp nhiều lần so
với cày, bừa thủ công trước đây song chính các loại máy cày này thường
mắc một số nhược điểm. “Mỗi cái máy như vậy gần 20 triệu, đối với nông
dân là cả gia tài. Bỏ tiền ra mua máy nhưng lưỡi cày không hiệu quả thì
rất phí phạm, nhiều khi tức anh ách...”, ông Sở nói.
Vốn có thêm nghề thợ rèn cộng với bản tính thích ưa táy máy, ông Sở
đã bắt tay vào việc chế một loại lưỡi cày để khắc phục những nhược điểm
tưởng chừng như là bất biến ấy vào khoảng năm 2010 dù chẳng ai nhờ vả,
cầu cạnh. Hằng đêm ông Sở lại đeo kính lão, kẻ kẻ vẽ vẽ để thiết kế mẫu
lưỡi cày hệt như một nhà kỹ thuật thứ thiệt. Cuối cùng ông đã ưng ý với
thiết kế lưỡi cày có hình dạng xưa nay hiếm - mặt hình tròn, phần đáy
lõm xuống như một cái chảo. Ra đến công đoạn thực hiện, dù không có
nhiều tiền nhưng ông cũng cố dành dụm để mua sắt, tôn và ngày ngày trong
nhà ông lại rộn tiếng đe, tiếng búa. “Mấy cái đầu làm ra hầu như chẳng
có cái nào dùng được. Về sau thì được nhưng lại chưa hay. Nhưng tính tui
lạ lắm, không làm chi thì thôi chứ đã làm tôi muốn phải hoàn mỹ”, lão
nông nói chắc nịch. Ngồi cạnh bên, bà Phan Thị Duyên (74 tuổi, vợ ông
Sở) chép miệng: “Ông làm quên vợ quên con luôn. Dạo đó tui chỉ mong ông
chế sao cho được cái lưỡi cày chảo chứ không ông cứ như người trời, tâm
trí sức lực dồn vào đó cả”.
Thành côngGần 1 năm vật vã, đến đầu năm 2011 thì thiết kế của ông Sở mới đạt
được kết quả như mong đợi. Ông nói ngày đưa lưỡi cày chảo ra đồng, thấy
nó cày đất phăng phăng, luống nào ra luống đó ông hạnh phúc đến độ chực
rơi nước mắt.
Khác với lưỡi cày kiểu cũ phức tạp, nặng nề, lưỡi cày chảo do ông Sở
thiết kế chỉ nặng chừng 45 kg và ứng dụng ma sát lăn. Dù có nhiều chi
tiết hợp thành nhưng ông Sở chia lưỡi cày chảo này ra 3 bộ phận chính:
thân cày, càng cẩu và chảo. “Có thể dùng từ 1 đến 3 chảo, tùy vào điều
kiện. Cày 3 chảo mỗi đường cày cách nhau 80 cm, cày 2 chảo mỗi đường cày
cách nhau 60 cm, riêng cày 1 chảo thì rất tiện nếu cày đất đồi, đất
cứng hoặc những nơi chật chội như trong lô cao su, luống sắn. Thấy vậy
chứ nó có thể sử dụng trên mọi địa hình, cày được ruộng khô và ruộng
nước, đặc biệt ta còn có thể điều chỉnh độ nông sâu của đường cày...”,
ông Sở giới thiệu, không giấu vẻ tự hào.
Có lưỡi cày chảo, sức lao động của người nông dân bỏ ra giảm đi đáng
kể và hiệu quả công việc tăng lên thấy rõ. Ví như cày trâu mỗi ngày giỏi
lắm được 4 sào nhưng cày bằng lưỡi cày chảo mỗi ngày được 2,5 mẫu là
thường. Còn so với lưỡi cày kiểu cũ thì lưỡi cày chảo cũng hiệu quả gấp
đôi.
Từ việc chế máy để tự giúp mình, giảm bớt áp lực đồng áng khi tuổi đã
xế chiều, ông Sở đã làm nhiều hơn để bán, mỗi cái ông chỉ lấy giá rất
hữu nghị - 3 triệu đồng/cái. Ban đầu là bà con trong làng, trong xã rồi
đến trong huyện, trong tỉnh nhưng giờ còn xa hơn, đến tận đồng bằng sông
Cửu long. “Nhưng giờ tui già rồi, không có sức nên mỗi vụ chỉ làm vài
chục cái, để đó, ai mua thì mua. Vậy mà làm chừng nào hết chừng đó”, ông
Sở cho hay.
Với sáng chế độc quyền và ứng dụng rất hiệu quả trong thực tế canh
tác nông nghiệp này, ông Sở đã được vinh danh với giải nhì Hội thi sáng
tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ IV.
Nguyễn Phúc