ICTnews - UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn gửi Bộ TT&TT xin thí điểm đưa kênh truyền hình thiết yếu của tỉnh Hà Giang phát sóng quảng bá qua vệ tinh. Tuy nhiên Bộ TT&TT sẽ xem xét sau khi tỉnh này chính thức có đề án xin cấp phép phát sóng quảng bá qua vệ tinh.
>> Các địa phương muốn đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình /Hội nghị ASPF 2013 bàn việc thúc đẩy số hóa truyền hình
Ngày 10/6/2013, UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị cho phép triển khai thí điểm dịch vụ truyền hình số vệ tinh MyTV DTH tại tỉnh Hà Giang. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Hà Giang với Bộ TT&TT do Thứ trưởng Lê Nam Thắng chủ trì ngày 12/6/2013, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang hiện có 199 xã thì có tới 122 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa bàn đồi núi hiểm trở cho nên phạm vi phủ sóng phát thanh, truyền hình địa phương còn nhiều hạn chế, rất nhiều xã còn "lõm" sóng truyền hình. Để quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang tới đồng bào trong tỉnh và cả nước, tỉnh Hà Giang đã bàn bạc và sẽ phối hợp với Tập đoàn VNPT thí điểm phát sóng kênh truyền hình của tỉnh Hà Giang lên vệ tinh sau khi VNPT được cấp phép cung cấp dịch vụ này.
Tập đoàn VNPT đã trình lên Bộ TT&TT đề án xin cấp phép cung cấp dịch vụ MyTV lên vệ tinh từ ngày 10/4/2013. Hiện nay Bộ đang thẩm định và dự kiến sẽ hoàn thiện thủ tục cấp phép cho VNPT trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, theo lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ, Hà Giang sẽ kết thúc số hóa truyền hình vào năm 2020. Với các tỉnh miến núi phương án tốt nhất để thực hiện số hóa truyền hình là phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu kết hợp giữa mặt đất và vệ tinh. Nhưng ông Tuấn cho rằng, các đài PTTH tỉnh lên lựa chọn đơn vị truyền dẫn có khả năng phủ sóng tốt nhất để người dân có thể xem được. Hiện nay đang có 3 doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm về truyền dẫn sóng truyền hình số ở nhiều phương thức khác nhau là VTV, VTC, AVG. "Các đài nên lựa chọn những doanh nghiệp truyền dẫn có kinh nghiệm để đảm bảo phủ sóng tốt nhất", ông Tuấn tư vấn.
Còn bà Lê Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, chủ trương của Nhà nước luôn ủng hộ việc đưa các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương lên vệ tinh. Tuy nhiên các đài truyền hình địa phương phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục phát sóng quảng bá trực tiếp lên truyền hình vệ tinh theo Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 1/7/2010. Theo đó, về nội dung phải đảm bảo 3 điều kiện: Phát sóng ít nhất 15h/ngày; các chương trình tự sản xuất phải đảm bảo 40% thời lượng/ngày; thời lượng phát sóng phim nước ngoài vào khung giờ vàng (20h đến 21h) không vượt quá 7h/tuần. Đồng thời các đài phải làm đề án xin phát sóng lên vệ tinh và được Bộ TT&TT cấp phép.
"Hiện kênh truyền hình của Hà Giang mới tự sản xuất nội dung được 3h/ngày (đạt khoảng 15% thời lượng phát sóng), nên muốn có giấy phép phát sóng lên vệ tinh cần phải tăng thời lượng nội dung tự sản xuất", bà Giang nói.
Hiện nay đã có hơn 30 đài truyền hình địa phương đã phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh, trong đó khu vực phía Bắc có Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang còn lại là các tỉnh thành phía Nam.
Cũng theo bà Giang, nếu các đài địa phương phát sóng lên vệ tinh qua hệ thống truyền hình trả tiền (của VTV, VTC, AVG) thì sẽ không phải thực hiện các điều kiện theo Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT nhưng lại bị giới hạn vì người xem sẽ phải trả tiền mới được xem. Như vậy sẽ khó thực hiện được mục đích quảng bá và nếu nội dung kênh không hấp dẫn thì dù các Đài phải mất tiền để truyền dẫn lên vệ tinh nhưng cũng không có người xem.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã đề nghị tỉnh Hà Giang nghiên cứu làm đề án gửi Bộ TT&TT xem xét. Cũng theo Thứ trưởng Thắng, việc phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của các tỉnh miền núi bằng phương thức kết hợp giữa phát sóng số mặt đất và vệ tinh là phù hợp với chủ trương của Chính phủ khi thực hiện lộ trình số hóa, trong đó phát qua vệ tinh là phương án tốt nhất. Thực hiện lộ trình số hóa mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cho nên các tỉnh có thể đề xuất với Bộ TT&TT phương thức thực hiện số hóa của từng tỉnh và Bộ sẽ hỗ trợ các tỉnh triển khai một cách hiệu quả nhất.
M.Q