Thí điểm đặt hàng mua 30.000 đầu thu số cho người nghèo
Bộ TT&TT sẽ tổ chức đấu thầu mua sắm 30.000 đầu thu số, trị giá 20 tỷ đồng để cấp cho người nghèo ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam phục vụ cho số hóa truyền hình.Năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước đã có, nhưng không có nhiều sản phẩm đầu thu truyền hình số được bán ra thị trường.
Theo ông Chu Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, tính đến thời điểm này, Cục Viễn thông đã đã tiếp nhận hồ sơ công bố chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho 9 model đầu thu, trong đó đã công bố hợp quy 8 model, còn 1 model đang hoàn tất thủ tục. Trong số 8 model đã chứng nhận hợp quy, riêng Truyền hình An Viên có 5 model, VTV Broadcom 1 model, còn lại là của các công ty khác.
Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đã có, thế nhưng thị trường lại “vắng bóng” sản phẩm này. Tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền hình trước ngày 30/6/2015, thế nhưng đến thời điểm này, theo khảo sát của Cục Tần số Vô tuyến điện, trên thị trường Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam vẫn chưa có nhiều đầu thu số chuẩn DVB-T2 để bán ra.
Ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, tổng đài hỗ trợ số hóa truyền hình của Đà Nẵng liên tục nhận được cuộc gọi của người dân để nghị cung cấp địa chỉ đại lý bán đầu thu số, cũng như tư vấn về chủng loại đầu thu đạt chất lượng. Nhưng nhân viên của tổng đài không thể tư vấn được, bởi trên thị trường vẫn chưa có đầu thu số đạt chuẩn để bán. Chỉ lác đác một số đại lý bán hàng Trung Quốc, nhưng số lượng cũng rất ít.
Ngay cả Đài PT-TH Đà Nẵng và Trung tâm Tần số khu vực 3 đi mua đầu thu số ở Đà Nẵng để phục vụ đo chất lượng phát sóng cũng không có.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, nếu thị trường chưa có đầu thu số để bán cho người dân thì không thể hoàn thành kế hoạch số hóa truyền hình được. Do đó, Cục Tần số Vô tuyến điện đã đề xuất phương án, nhà nước sẽ đặt hàng mua số lượng đầu thu số để phát cho những đối tượng thuộc diện được nhà nước hỗ trợ đầu thu ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.
Hiện nay, Cục Tần số Vô tuyến điện phối hợp với Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thí điểm hỗ trợ đầu thu số cho địa bàn Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, sau đó dựa trên kinh nghiệm triển khai tại hai địa phương này sẽ xây dựng tiếp Thông tư chung hướng dẫn cho việc hỗ trợ đầu thu số cho các giai đoạn còn lại.
Theo tính toán, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, nhà nước cần mua khoảng 30.000 đầu thu số để cấp cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Dự kiến, giá trần (giá cao nhất – PV) mà nhà nước sẽ mua vào khoảng 650.000 đồng/chiếc, bao gồm cả anten, trách nhiệm bảo hành. Phương thức lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sẽ thông qua đấu thầu. Tổng gói thầu mua hơn 30.000 đầu thu số cho Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam vào khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Hoan cho biết, việc đặt hàng mua đầu thu số cho Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam một mặt là để kịp thời tiến độ hỗ trợ cho hai địa bàn này, một mặt khác là nhằm “kích cầu” thị trường đầu thu số. Việc giải quyết thủ tục gói thầu này sẽ phải hoàn thành chậm nhất vào tháng 3/2015.
Chỉ riêng gói thầu mà nhà nước mua để hỗ trợ người nghèo là 30.000 đầu thu, còn số lượng đầu thu số cần tung ra thị trường tự do để phục cho các hộ dân không thuộc đối tượng được nhà nước trợ cấp đầu thu sẽ gấp đôi con số này. Và như vậy, trong vài tháng tới sẽ cần khoảng 100.000 đầu thu để phục vụ số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.
Cũng theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong năm 2015, nhà nước dự kiến sẽ chi khoảng từ 260 – 268 tỷ đồng để mua gần 450.000 đầu thu số hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách của 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Còn số lượng đầu thu số cần cung cấp ra thị trường tự do để phục vụ chuyển đổi sang truyền hình số cho các hộ gia đình đang dùng tivi analog ở 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng sẽ gấp hai hoặc gấp ba lần con số nói trên.
Theo ICTNews.