DANH LAM THANG CANH TINH DONG NAI
1* DANH LAM THANG CANH 1: Thác Giang Ðiền - Đồng NaiNằm
trong địa phận xã Giang Điền, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, thác
Giang Điền hiện nay được xem là điểm dã ngoại sinh thái cuối tuần khá
mới mẻ và hấp dẫn du khách (nhất là các bạn trẻ đi picnic) từ TP.Hồ Chí
Minh và các vùng lân cận tìm đến. Để đến được thác Giang Điền, có thể
xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đến ngã ba Vũng Tàu, rẽ trái quốc lộ 51, đến
ngã ba Thái Lan, rẽ trái chừng 15km là đến thác.
Hoặc từ TP.Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A chạy thẳng đến huyện Thống Nhất,
đến chợ Trà Cổ, có ngã ba rẽ phải theo đường đất đỏ, qua cầu Giang Điền
gặp ngã ba tiếp tục rẽ trái chừng 1km là đến nơi. Không kỳ vĩ như những
dòng thác ở Tây Nguyên, nhưng do địa thế ở đây rộng, thoáng, con thác
trải dài có rất nhiều tảng đá trên đỉnh tạo ra nhiều dòng chảy, tung bọt
trắng xóa, rất đẹp. Hai bên bờ suối có rất nhiều hoa dại và bướm, cây
cối xanh rì, trông rất thơ mộng. Có lẽ vì nằm giữa những ruộng lúa xanh
ngắt nên có tên gọi là thác Giang Ðiền. Vào mùa nắng, dòng thác có màu
trắng bạc, chảy yên ả hiền hòa. Nhưng vào những tháng giữa mùa mưa, dòng
nước chuyển sang màu vàng đục, nươc chảy xiết, tiếng nước réo âm vang
đến hàng cây số. Nước tung bọt và bốc lên thành tấm màn mờ mờ phủ trên
ghềnh thác. Trước đây, có nhiều cây cổ thụ tán tròn nghiêng bóng xuống
dòng thác, chúng ta có thể nằm gối tay trên những thân cây đong đưa trên
thác để nghe tiếng thác reo dưới vòm lá mát rượi. Nhưng nay trên thác
chỉ còn lại vài cây nhỏ, thay vào đó là những quán lá. Ven dòng và giữa
dòng thác, có những tảng đá to, chỗ câu cá lý tưởng. Mặc dù nước chảy
mạnh nhưng thác vẫn có rất nhiều cá, đặc biệt là cá lớn. Mùa nắng các
bạn có thể đắm mình trong dòng nước trong veo mát lạnh. Dòng suối từ
chân thác chảy ngoằn ngoèo dưới tán cây xanh tạo nên một khung cảnh khá
ngoạn mục. Bên suối có nhiều nhà tranh nhỏ, tình hình an ninh ở khu vực
tương đối bảo đảm. Các bạn có thể dạo chơi trên con đường dọc theo chân
thác trong một đêm trăng để thưởng thức cảnh "trăng mờ bên suối". Đến
thác Giang Điền bạn tha hồ tắm, tha hồ đắm mình, vũng vẫy trong dòng
nước trong vắt, mát lạnh. Có sẵn các nhà chòi dọc theo bờ suối rất mát
mẻ, cho thuê với giá 50.000đ/ngày (có kèm theo 4 võng) với sức chứa 10
người. Khi đến thác, bạn nhớ mang theo đồ ăn, thức uống.
2* DANH LAM THẮNG CẢNH 2: CHÙ BỬU PHONGChùa
Bửu Phong nằm ở trên núi Bửu Long, thuộc xã Tân Bửu, tỉnh Ðồng Nai,
cách thành phố Biên Hoà 6 km. Bửu long là ngọn núi thấp, qua 99 bậc đá
là lên tới chùa.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII. Lúc đầu chùa chỉ là thảo am nhỏ sau
do Thiền sư Pháp Thông xây cất tôn nghiêm. Chùa được trùng tu mở rộng
vào năm 1829 và các năm gần đây. Khách thập phương thường đến thăm chùa,
bởi đây là ngôi cổ tự rêu phong cổ kính có những pho tượng với những
nét điêu khắc đặc biệt Á Ðông.
3* DANH LAM THẮNG CẢNH 3: THÁC BA GIỌTThác ba Giọt (xã Phú Hòa, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) là một điểm đến kỳ thú
cho những ai thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang
sơ
Thác Ba Giọt cách TP.HCM chừng 140km. Từ Sài Gòn bạn chạy dọc
theo quốc lộ 20 hướng lên Đà Lạt, qua cầu La Ngà. Tới cây số 118, đoạn
giáp ranh giữa huyện Định Quán và huyện Tân Phú (Đồng Nai), nhìn bên tay
trái sẽ thấy bảng đề KDL sinh thái Hoa Phượng. Bạn quẹo trái đi vào con
đường nhỏ tráng nhựa dài độ 8km. Đường tuy quanh co nhưng đủ rộng cho
cả xe du lịch vào tận nơi. Cuối đường bạn sẽ bắt gặp một không gian
hoang liêu, thoáng mát của dòng thác Ba Giọt ầm ì tuôn.
Kỳ thú thác Ba GiọtLối vào khu du lịch sinh thái là những tán phượng còn sót lại những trái
khô quắt queo của mùa cũ bên cạnh những chồi non báo hiệu tiết xuân
sang. Chỉ chừng vài tháng nữa thôi, khi đám ve sầu bắt đầu gọi hè, những
tán phượng dọc lối đi ấy sẽ đỏ rực màu hoa nhung nhớ làm sống dậy bao
hồi ức thuở học trò.
Thác Ba Giọt còn có tên là Ba-zọt, đối với nguồn gốc tên gọi này, nhiều
người cho rằng có lẽ là do khi nhìn từ trên cao xuống thác đổ thành ba
nhánh lớn bên cạnh vô số các nhánh phụ trông như những giọt nước khổng
lồ từ trên trời rơi xuống giữa bạt ngàn rừng cây đồi núi. So với nhiều
ngọn thác kỳ vĩ khác của vùng cao nguyên như Draysap, Đamri, Đatanla,
thác Ba Giọt không thể sánh về độ cao, nhưng xét về độ rộng thì thác
trên tỏ ra vượt trội với những ghềnh đá chồng chất nối tiếp nhau trải
dài tưởng chừng đến vô tận… Ở Ba Giọt, đá chồng lên đá, nước len qua đá
nhiều hình thù tạo nên vô số những dòng chảy khác nhau đẹp mắt. Nơi
những ghềnh đá cao, nước cuộn lên, uốn mình một lượt trước khi đổ ào
xuống hồ rộng phía dưới. Một người dân sống lâu năm ở đây cho biết: Mùa
khô, Ba Giọt hiền hòa thong thả vậy chứ khi mùa mưa tới, dòng thác cuộn
chảy dữ dội đến không thể nhận ra hình ảnh quen thuộc của “ba giọt
nước”.
Nổi giữa Ba Giọt là cụm đảo có tên gọi Tình Nhân với cỏ hoang ngập quá
chân người chờ bạn khám phá. Một mạn hồ có neo sẵn mấy chiếc thuyền và
ca-nô sẵn sàng chở khách ra đảo tham quan hay đi câu cá giữa lòng thác.
Dọc trên bờ hồ, du khách có thể ngả lưng nghỉ ngơi thư thả trên những
chiếc võng được giăng sẵn dưới những mái nhà tranh quán lá đơn sơ.
Thác Ba Giọt là địa điểm được nhiều cần thủ tìm đến để thỏa thú câu cá
lăng, cá trèn… Bãi bồi của thác tương đối rộng, thoai thoải tiện cho
người buông cần câu ven bờ hay có thể thuê thuyền chở ra giữa lòng hồ để
câu tùy thích. Anh bạn tôi mê câu lăng cho biết: Để câu được cá lăng
lớn ở Ba Giọt, nhóm anh phải phục qua đêm, dùng mồi thuốc (cá linh phơi
nắng cho thật ươn, xay cho nhuyễn rồi đem ủ) thì mới dễ “vấp” lăng ở Ba
Giọt
4* DANH LAM THĂNG CẢNH 4: ĐÁ BA CHỒNGThắng cảnh Đá Ba Chồng ở Định Quán - Đồng NaiTừ ngã ba Dầu Giây đi theo quốc lộ 20 hướng lên Đà Lạt độ chừng 40km, du
khách sẽ gặp một quần thể núi đá tạo dáng đẹp đẽ, kỳ lạ nằm bên một thị
trấn nhỏ. Đó chính là khu danh thắng Đá Chồng- Định Quán. Đây là một
thắng cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai và cũng là nơi để du khách có
thể đến tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu khảo cổ về di chỉ văn hóa
Óc Eo.
Quần thể Đá Chồng- Định Quán gồm những cụm tiêu biểu: hòn Ba Chồng, núi
Đá Voi, hòn Dĩa và ngôi chùa Thiện Chơn được tạo dáng đẹp đẽ, hài hòa
cho khu danh thắng. Với ba hòn đá nằm chồng lên nhau khá chông chênh ở
độ cao 36m so với mặt đất, hòn Ba Chồng nằm sát quốc lộ 20 về phía đông
bắc như một tượng đài kỳ vĩ trước gió sương. Hòn đá dưới cùng lớn gấp
đôi hai hòn nằm trên, hòn trên cùng thì nằm chìa ra ngoài tưởng chừng
như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào. Dáng hình kỳ lạ này đã làm ngạc nhiên
biết bao nhiêu khách tham quan dừng chân lại khu di tích.
Về phía tây bắc quần thể Đá Chồng là cụm núi có hình dáng rất độc đáo
với tên gọi hòn Dĩa. Hòn Dĩa có hình tròn không đều, nằm trên một tảng
đá nhỏ hơn nhiều lần, tựa như mong manh dễ vỡ nhưng khá vững chắc, có độ
cao 43m so với mặt đất. Cụm núi có nhiều tảng đá công kênh vào nhau,
nhiều cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, làm
cho ta có cảm giác cây và đá tìm mọi cách vươn lên để tìm hơn thở sinh
tồn.
Cụm núi Đá Voi còn gọi là núi Bạch Tượng, nằm về phía tây nam của danh
thắng. Núi có hình hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh một hòn đá
gọi là Voi Đực có tượng Phật Thích Ca khổng lồ nhìn về hướng đông, được
xây dựng vào đầu năm 1970. Hòn đá Voi Cái nằm cạnh bên. Phía dưới của
cụm đá có hang Bạch Hổ với chuyện tích kể rằng: Xưa kia, khi rừng rậm
còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn ở núi Đá Voi. Điều kỳ lạ là cặp
chúa sơn lâm này không bao giờ bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe
kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại thêm chiến
tranh, cặp hổ bỏ đi, nhân dân cho là hổ thần nên đặt tên hang là Bạch
Hổ. Từ hang Bạch Hổ, bàn tay con người đã tạo nên một hành lang tam cấp
uốn lượn theo núi Đá Voi để du khách đến tham quan dễ dàng đi lên đỉnh
của đá Voi Đực đến với tượng Phật Thích Ca, phóng tầm nhìn ra toàn cảnh
khu danh thắng. Từ trên cao, nhìn bốn hướng, một phong cảnh thiên nhiên
diễm lệ, đa dạng đến tuyệt vời. Đan xen giữa những hòn núi đá là những
thung lũng mênh mông thăm thẳm xanh mượt, lấp loáng những hồ nước và cả
những dòng suối uốn lượn dưới chân đồi. Một cây cầu mảnh dẻ bắt qua sông
La Ngà, những con đường lượn vòng theo bình độ mất hút sau hẻm núi rồi
lại hiện ra, những buôn làng người Mạ lúp xúp dưới thung lũng và xa xa,
dòng điện Trị An lấp lánh ánh tà dương…
Được bàn tay thiên nhiên tạo dáng và sự chăm chút của con người, quần
thể Đá Chồng- Định Quán đã làm say mê không biết bao nhiêu du khách đến
đây. Mặc cho sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, những cụm núi đá hoa
cương vẫn đứng sừng sững như thi gan, vươn mình kiêu hãnh với nắng mưa,
như tô điểm thêm sức sống mãnh liệt, chất phong trần của đá.
Danh thắng Đá Chồng là điểm tham quan kỳ thú không chỉ với khách du lịch
mà còn thu hút nhiều nhà khảo cổ học, bảo tàng học vì nơi đây còn lưu
giữ một số vết tích liên quan đến cuộc sống của người tiền sử. Danh
thắng này đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích quốc gia.
5* DANH LAM THẮNG CẢNH 5 : THÁC MAIThác Mai ở Đồng Nai trải dài hơn 4 km với 5 đảo cây xanh và nhiều thảm hoa rừng, làm nên một kiện tác thiên nhiên hùng vĩ.Từ
địa phận của lâm trường Tân Phú, theo con đường mòn uốn lượn quanh co,
thưa thớt những nếp nhà và vắng bóng người qua lại, đi chừng 8 km, du
khách sẽ đến thác Mai. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng trên
sông La Ngà, nằm giữa địa phận tiểu khu phân trường 4, lâm trường Tân
Phú (Định Quán - Đồng Nai). Dòng thác được tạo nên bởi một quần thể
thiên nhiên hài hòa với thác ghềnh trùng điệp, được trang điểm bởi sắc
màu của các loài hoa rừng mà nhiều nhất là hoa mai. Người Mạ, một trong
những tộc người bản địa của vùng miền núi Đồng Nai, gọi thác là Liêng
Dur, có nghĩa là ngọn thác lớn, hùng vĩ.
Từ chân nhìn lên, thác Mai như con rồng khổng lồ đang vùng vẫy làm rung
động cả một vùng rừng núi. Cây rừng chen chúc trên vách đá. Rất nhiều
khối đá đủ hình thù được bàn tay tạo hóa sắp xếp bày ra hai bên bờ hoặc
đâm ngang giữa dòng nước. Mùa khô, những dãy đá trong lòng suối lộ ra
trông như đàn trâu đang nằm phơi mình dưới nắng gió, hằn lên những vết
sần sùi. Nhiều cụm đá liên hoàn, nhấp nhô tạo nên những con đập tự
nhiên, ngăn dòng thác đổ, khiến dòng nước lúc tưng, lúc hứng trông thật
ngoạn mục. Đẹp nhất là khi ánh mặt trời vượt khỏi những tầng cây, tỏa
ánh nắng xuống thác nước hoang sơ, cả một con thác hùng vĩ như được tắm
trong nắng vàng. Vào mùa mưa, những khối nước từ trên cao trút xuống ầm
ầm, dòng nước ngầu lên như sục sôi, giận dữ.
Địa thế thác Mai hùng vĩ nhưng ít hiểm trở. Vách đá hai bên bờ hướng
chênh chếch lên cao. Trong lòng thác, hàng chuỗi ghềnh đá tiếp nối nhau
như thể từ buổi khai thiên lập địa, các mảnh vỡ của dãy núi rơi tứ tung
vào lòng sông, tạo nên các thác đá chất chồng, gồ ghề, hình thành xoáy
nước, đụn sóng, khe chảy. Hiền hòa nhất có lẽ là khu vực phía bên trên
đầu thác. Nước ở đây không sâu, dòng chảy hiền hòa, êm ả giữa những tảng
đá tròn trịa. Cũng có chỗ lòng thác mở ra, gập ghềnh đá và nước tung
bọt trắng xóa, là nơi lý tưởng để du khách đến cắm trại và tắm ghềnh.
Lòng thác rộng, nhiều ghềnh đá đầy hấp dẫn với những ai ưa khám phá.
Nổi bật nhất trong quần thể đá thác Mai phải kể đến những cụm đá khối
phía bờ bên trái, hướng thượng nguồn dòng thác. Nơi đây, các xoáy nước
ăn sâu vào núi, hình thành một hang động lớn. Người dân quanh vùng nhìn
vào hình thế của hang mà đặt tên là động Kim Quy, hay còn gọi là Tam Sơn
nhất động. Hang có nhiều nhánh ăn thông với nhau, du khách có thể vào
cửa này rồi men theo lối mòn vào sâu để rồi lát sau lại chui ra từ một
cửa khác. Những chuyến thám hiểm này đem lại cho du khách cảm giác thích
thú. Trong Tam Sơn nhất động có 6 đường hướng lên trời và ba đường
hướng xuống phía dưới lòng chân núi nên có tên là Tam Thiên Địa, Lục
Thiên Đình.
Giữa dòng chảy phía trên thác nổi lên tảng đá lớn có hình dáng một con
voi đang phủ phục, được gọi là hòn Voi Phục. Không khí nơi đây hoang dã,
huyền bí, gắn liền với những sự tích đến nay vẫn còn được lưu truyền.
Thuở ấy, vùng này là xứ sở của loài voi. Hàng đàn voi rừng sinh sống
giữa đại ngàn. Chúng thường làm những cuộc du hành từ vùng rừng núi này
sang vùng rừng núi khác theo mùa. Thường những chuyến du hành như vậy
đàn voi phải băng qua các sông, hồ, suối, thác, khu rừng, dãy núi trải
dài ngút ngàn. Một lần, có đàn voi nọ trên hành trình vượt thác Mai, đến
giữa dòng, con voi đầu đàn bỗng khuỵu xuống và không làm sao đứng lên
được, mặc cho đồng loại cố gắng giúp sức. Bất lực, đàn voi đành giã biệt
thủ lĩnh để lên đường, con voi đầu đàn nằm đó hóa thành đá, dòng nước
mắt hòa trong dòng nước sông tiễn đàn tiếp tục cuộc hành trình...
Quần thể đá ở thác Mai làm nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thù.
Đứng trên đỉnh hòn Voi Phục, có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thác Mai. Hai
bên bờ, cây cối xanh thăm thẳm, mai rừng bạt ngàn. Cây ăn trái trong
rừng nhiều không kể xiết. Vào mùa trái chín, hoa nở, du khách có thể tản
bộ ở những nơi bờ đá bằng phẳng, hoặc nằm dài dưới tán cổ thụ ngắm nhìn
loài dây leo đong đưa, nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy réo rắt và
nhấm nháp quả rừng. Đi dạo trong rừng, nếu được mục kích một vài con thú
hoang dã như lợn rừng, mang, nai, hẳn bạn sẽ càng thích thú.
Tuyệt vời nhất có lẽ là những đêm lửa trại trong rừng. Khi màn đêm buông
xuống, bên bè bạn và người thân cùng quây quần quanh chum rượu cần,
trong hơi ấm dịu dàng của ngọn lửa trại bập bùng cháy trên tảng đá lớn
đặt giữa lòng suối. Đêm tối mông lung, những con người cảm thấy mình bé
nhỏ càng nhích lại gần nhau hơn. Càng nồng đượm nếu thưởng thức tại chỗ
món cá nướng.
Sẽ rất lãng phí nếu đã “bay” đêm ở đây mà không làm một chuyến khám phá
rừng xuyên màn đêm để cảm nhận hết vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Chỉ với chiếc
đèn pin bỏ túi cùng một vài người bạn ưa mạo hiểm, bạn sẽ có một chuyến
phiêu lưu để thử thách lòng gan dạ của mình. Trên đường về, du khách
đừng quên ghé qua bàu nước nóng thiên nhiên. Sau một thời gian thư giãn
với làn nước ấm áp, gạt bỏ bụi bặm, mệt nhọc, bạn sẽ thấy tinh thần vô
cùng sảng khoái. Còn rất nhiều vẻ đẹp và sự bí ẩn trong vùng rừng núi
thác Mai đang chờ bạn khám phá.
ngọc bảo ''sưu tầm''