Truyền hình độ nét cao: Thị trường vẫn bỏ ngỏ?
ICTnews - Năm 2011, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam thêm "xôm tụ" khi AVG - Truyền hình An Viên chính thức phát sóng. Sắp tới, Viettel cũng “nhảy” sang lĩnh vực này. Tuy nhiên, dường như khoảng trống thị trường vẫn gọi tên dịch vụ truyền hình độ nét cao (HD), đây có thể trở thành lợi thế dẫn đầu của bất cứ nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nào.
Truyền hình HD sẽ phát triển mạnh
Hiện tại, đa phần các đài truyền hình trong nước vẫn sử dụng kỹ thuật phát sóng analogue. Truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT), truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH), truyền hình cáp đều dùng chuẩn SD với tỉ lệ khung hình là 4:3. Tuy nhiên, tỷ lệ 16:9 của truyền hình HD mới là tỷ lệ vàng đối với các loại TV đang được yêu thích trên thị trường.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, TV LCD đang là loại phổ biến và được ưa chuộng đối với nhiều gia đình. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó giám đốc Công ty Samsung Vina Electronics, đánh giá thị trường LCD của Việt Nam phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Mức tăng trưởng tiêu thụ TV LCD trong mấy năm qua đều đạt trên 20%, riêng trong năm 2010, số lượng tiêu thụ còn tăng hơn 50% so với năm 2009. Trong khi đó, loại TV này hoàn toàn không tương thích với công nghệ chuẩn SD, người xem sẽ thấy chất lượng hình ảnh không cao, thậm chí độ nét còn kém so với những loại tivi thông thường.
Do đó, đăng ký sử dụng truyền hình HD là một xu hướng đang phát triển đối với các gia đình dùng TV LCD. Nhu cầu đã rõ nhưng “nguồn cung” vẫn bó hẹp và hạn chế. Chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ HD. Hiện mới có một số nhà cung cấp sử dụng dịch vụ công nghệ cao này như: HTVC, truyền hình cáp SaigonTourist SCTV, Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VTC, K+… và mới đây nhất là AVG - Truyền hình An Viên. Do HD là công nghệ cao nên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đều đưa vào các gói cước cao, trong khi số kênh HD chưa thực sự đa dạng.
Đa dạng hóa các chương trình truyền hình HD
Với một số nhà cung cấp truyền hình trả tiền, để sử dụng gói kênh HD, người dùng phải bỏ ra mức phí cao, thậm chí chi phí bỏ ra ban đầu tương đương với một chiếc TV LCD 32’’. Ví dụ như sử dụng gói dịch vụ của K+, buộc người xem phải trả trọn bộ thiết bị và thuê bao trong một năm tới gần 7.000.000 đồng; với VTC chi phí ban đầu cũng gần 5.000.000 đồng... AVG - Truyền hình An Viên tuy mới tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền nhưng đã nhanh chóng đánh vào khoảng trống dịch vụ truyền hình HD với chính sách ưu đãi về giá. Đại diện nhà cung cấp này cho biết: “Trong 2 triệu thuê bao đầu tiên hoặc trong 2 năm kể từ ngày cung cấp dịch vụ (tùy điều kiện nào đến trước), nếu khách hàng cam kết sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời gian tối thiểu 30 tháng sẽ được cấp miễn phí thiết bị đầu thu và chỉ phải trả 88.000/tháng cho gói kênh HD”. Chính sách này được nhiều chuyên gia đánh giá là có khả năng “phá giá” thị trường vốn đắt đỏ và thu hút nhiều khách hàng đến với AVG.
Thực tế hiện nay cho thấy, các nhà đài mới đưa ra những gói dịch vụ HD “gọi là có” nhưng việc đầu tư xây dựng nhóm kênh này vẫn còn “nông”. Cũng dễ nhận thấy, số lượng các kênh HD chưa đa dạng, hầu hết là kênh HD nước ngoài được Việt hóa, chỉ dừng ở mức có phụ đề theo khung giờ nhất định. AVG - Truyền hình An Viên là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên thể hiện sự quan tâm và đầu tư công phu trong việc Việt hóa các chương trình mua bản quyền từ nước ngoài khi đã thực hiện thuyết minh, lồng tiếng cho một số chương trình phát sóng tại các khung giờ vàng trên kênh Star Movies và có lộ trình tăng dần số kênh thuyết minh, lồng tiếng.
Số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình độ nét cao chưa nhiều nên sự lựa chọn nhà cung cấp có gói kênh HD còn hạn chế. Chắc chắn, với xu hướng sử dụng TV LCD màn hình phẳng, tích hợp công nghệ HD ngày càng nhiều thì việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải bổ sung và tăng thêm kênh HD chỉ là việc sớm hay muộn nếu không muốn bị đẩy ra khỏi cuộc đua giành thị phần ngày càng khốc liệt trên thị trường truyền hình trả tiền hiện nay.
Cho dù Viettel tuyên bố nhảy vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong năm 2012. Nhưng thời điểm chính thức ra mắt dịch vụ này vẫn chưa được Viettel tiết lộ. Cùng với AVG, Viettel là đối thủ nặng ký trên thị trường truyền hình trả tiền; họ sẽ tận dụng lợi thế của người đi sau, “qua mặt” VTV về công nghệ truyền hình cáp để có thể cung cấp dịch vụ truyền hình độ nét cao với nhiều kênh HD cho khách hàng. Viettel đang đặt nhiều kỳ vọng vào dịch vụ truyền hình trả tiền bởi doanh nghiệp này có thể có cả chục triệu khách hàng là hộ gia đình. Nhiều khả năng, Viettel cũng sẽ tấn công thị trường này bằng các gói cước giá rẻ giống như AVG đang thực hiện.
Phạm Anh
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 31 ra ngày 12/3/2012.
[You must be registered and logged in to see this link.]