Truyền hình trả tiền bắt buộc phải công khai giá cước
Dù được quyền tự điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp truyền hình phải công khai giá cước, trước khi điều chỉnh cước phải thông báo trước cho khách hàng một thời gian dài trước khi áp dụng cước mới.Truyền hình SCTV vừa bị phản ánh về việc đột ngột tăng cước thuê bao (Ảnh minh họa)Liên quan đến việc Truyền hình cáp SCTV bị khách hàng ở Hà Nội tố lập lờ khi ký hợp đồng dịch vụ. Cụ thể, không ghi rõ ràng giá thuê bao và giá cước khuyến mãi, thời hạn khuyến mãi trong hợp đồng với khách hàng. Để sau đó, SCTV tăng giá cước lên 50% như ICTnews đã phản ánh. Câu hỏi đặt ra là liệu SCTV có vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hay không.
Theo Điều 27, Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải công khai giá dịch vụ bằng hình thức niêm yết giá, kèm theo các thông tin liên quan đến dịch vụ để người dùng biết trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.
Trao đổi với ICTnews, một lãnh đạo Thanh tra Bộ TT&TT cho hay, truyền hình không phải là dịch vụ nhà nước quản lý giá, do đó trong hợp đồng dịch vụ, doanh nghiệp có thể không bắt buộc ghi giá cước thuê bao, vì doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá cước theo từng thời điểm. Giá cước dịch vụ sẽ được thể hiện trên hóa đơn thu cước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải niêm yết giá công khai trên nhiều phương tiện khác nhau để khách hàng nắm được khi có điều chỉnh về giá, đồng thời phải thông báo trước cho khách hàng về mức cước dịch vụ được điều chỉnh.
Do đó, việc SCTV không thông báo trước cho khách hàng, mà đột ngột áp dụng ngay giá cước mới là một thiếu sót trong quy trình cung cấp dịch vụ, khiến khách hàng bức xúc.
Lãnh đạo SCTV cũng đã công nhận đây là sai sót không đáng có, do vậy SCTV đã cho người liên hệ với khách hàng và sẽ tới gặp trực tiếp khách hàng để giải thích, xin lỗi về sơ xuất này.
Vị Thanh tra Bộ TT&TT cũng hướng dẫn, nếu chưa đồng ý với cách giải quyết của SCTV, khách hàng cần có khiếu nại chính thức cơ quan nhà nước để làm rõ trách nhiệm của SCTV đối với khách hàng.
Còn theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự), dịch vụ viễn thông, truyền hình nói chung doanh nghiệp thường dùng hợp đồng mẫu soạn sẵn, do đó nếu không tìm hiểu kỹ, đọc kỹ trước khi ký kết, khách hàng có thể bỏ qua một số điều khoản, nhất là về giá cước. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp truyền hình được quyền tự chủ về giá cước, được điều chỉnh giá bán theo từng thời điểm.
Trên thực tế, khi doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước khách hàng sẽ không có ý kiến, nhưng nếu tăng cước mà không được truyền thông rõ ràng thì khách hàng phản ứng mạnh mẽ là lẽ thường tình.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, trong trường hợp khách hàng khiếu nại SCTV, cần phải xem xét kỹ thỏa thuận trong hợp đồng, nếu như hợp đồng có cam kết mức cước thuê bao là trọn đời, thì SCTV sẽ không được thay đổi giá cước. Chỉ trong trường hợp khách hàng ngắt thuê bao, hoặc gián đoạn thời gian đóng cước thì có thể mức cước cam kết trọn đời sẽ không được áp dụng.
Còn trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận về áp dụng mức phí thuê bao trọn đời, thì thời hạn áp dụng mức cước ưu đãi tùy thuộc vào chương trình khuyến mãi, cũng như tùy thuộc vào chính sách cước của doanh nghiệp theo từng thời điểm.
Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho rằng, dù được quyền tự điều chỉnh giá cước, SCTV trước khi điều chỉnh phải thông báo trước cho khách hàng một thời gian dài trước khi áp dụng cước mới. Cách gửi thông báo có thể bằng nhiều hình thức như trên trang web của doanh nghiệp, gửi bằng văn bản tới địa chỉ khách hàng, hoặc qua tin nhắn điện thoại.
Tuy nhiên hiện tại nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ áp dụng một phương thức thông báo phổ biến là trên trang web, mà không phải khách hàng nào cũng thường xuyên truy cập vào website của doanh nghiệp để biết thông tin.
“Truyền hình là dịch vụ có thị trường cạnh tranh cao, nên giá cước có tính quyết định lựa chọn của khách hàng. Do vậy, khi đặt bút ký hợp đồng khách hàng cần phải yêu cầu ghi rõ mức cước thuê bao, cước khuyến mãi, thời hạn khuyến mãi. Nếu hết thời hạn khuyến mãi, trường hợp khách hàng không chấp thuận mức cước mới cao hơn, có thể hủy hợp đồng để chuyển sang dùng dịch vụ của nhà mạng khác”, Luật sư Thành cho biết.
Theo ictnews.